SƠ LƯỢC TIỂU SỬ
CỐ ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH AN HÒA

Viện chủ chùa Pháp Bửu xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, Tp Hồ Chí Minh

DSC_0090
Nhớ khi xưa:
Đất Hóc Môn ươm mầm thiện tín
Chùa Pháp Bửu nối nghiệp thiền gia
Tám mươi mốt năm trụ thế cõi ta bà
Năm mươi năm khơi đèn thiền tổ án

Cố Hòa thượng thượng An hạ Hòa, thế danh Lê Văn Đáng – sinh năm 1938 tại xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn tỉnh Gia Định trong một gia đình có truyền thống tu thân hướng Phật lâu đời – Ngài là con trai trưởng trong gia đình có năm anh em, thân sinh là cụ ông Lê văn Hoc và cụ bà Lê Thị Xê. Số nhà 71/2 Ấp Lân Nhì, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, nay là phường Hiệp Thành, Quận 12, TP. HCM

Năm 1968, khi tuổi đời đã tròn 30, cơ duyên đầy đủ, nhân lành thắm đượm, Ngài bỏ lại sau lưng những phiền muộn của thế gian Ngài cầu đạo với Hoà thương Thượng Tắc Hạ Độ viện chủ chùa Pháp Thạnh, thuộc Thiên Thai Giáo Quán Tông. Được ban pháp hiệu là Thích An Hoà. Sau khi xuất gia thọ giới cụ túc, ngoại trừ khi tham dự những khóa an cư kiết hạ hàng năm ngài phát nguyện cấm túc tại làng cô nhi Phật giáo Long Thành để chuyên tâm tu học trong một thời gian dài

Với tâm tính hiền hòa giản dị, Người luôn lấy tinh thần Lục Hòa cộng trụ làm phương châm sống và hành đạo. Ngoài việc lập chí tu hành, hạ thủ công phu, hướng dẫn Phật tử tu tâm dưỡng tánh làm lành lánh dữ, chuyên tâm niệm Phật. Ngài còn thường xuyên làm các công tác từ thiện, giúp đỡ người nghèo, thực hành mật hạnh. Đối với huynh đệ pháp lữ Ngài luôn bình dị hòa nhã và tương kính nên rất được mọi người quý mến.

Năm 1970 , Ngài về quê nhà và được gia đình bà Lê Thị Kiệp hiến cúng cho mảnh đất bên và Ngài đã xây dựng ngôi chùa Pháp Bửu nho nhỏ để làm nơi tu học và hành đạo, ngài đã hóa độ được gần 50 tăng ni xuất gia và hàng ngàn Phật tử quy y tam bảo

Trăng tròn rồi đến lúc cũng phải khuyết, sau hơn 70 năm có mặt trên cõi đời, hơn 30 năm giữ gìn và phát huy gia tài chánh pháp, liễu thế vô thường, quán xét nhân duyên, Ngài nhận thấy Thượng tọa Thích Thiện Hạnh là người có năng lực, biết kính trên nhường dưới, hết lòng với các Phật sự, có khả năng trùng hưng tam bảo, nên năm 2000 Hòa thượng đã hoan hỷ ủy quyền cho Thượng tọa Thích Thiện Hạnh trụ trì chùa Pháp Bửu, đồng thời ngài cũng hoan hỷ chứng minh trợ duyên cho Thương tọa mua them 8.000m2 đất và đại trùng tu lại toàn bộ chùa Pháp Bửu trở nên trang nghiêm tú lệ có sức chứa trên 500 Phật tử, đáp ứng nhiều hoạt đông phong phú như Đạo tràng Bát Quan Trai Giới, khoá tu Giờ Phút An Lạc Kinh Lương Hoàng Sám, phát cơm từ thiện … và các pháp hội lớn như: Lễ Phật Đản, Vu Lan, Lễ vía Quán Thế Âm Bồ Tát, Lễ vía Phật a Di Đà … quy tụ hàng ngàn Phật tử tham dự

Những tưởng trên bước đường phụng sự đạo pháp, phục vụ chúng sanh, Hòa thượng còn trụ thế lâu dài hơn nữa để làm cội bồ đề cho Tăng Ni, Phật tử chùa Pháp Bửu nương tựa, nào ngờ đâu một thoáng vô thường, Hòa thượng đã thâu thần viên tịch vào lúc 11 giờ 55’ ngày 28 tháng 05 năm Kỷ Hợi (PL: 2563 – DL: 2019), trụ thế 81 năm, hạ lạp 50 năm.

Nam mô Pháp Bửu đường thượng, Từ Thiên Thai Giáo Quán Tông nhị thập tứ thế, huý chiếu Quý Thượng An Hạ Hoà, Lê công Hoà thượng thiền toạ chứng minh